Thu âm và sản xuất Abbey_Road

Thu âm

Tất cả đều được thực hiện trong khoảng từ tháng 7 tới tháng 8 năm 1969. John Lennon chỉ bắt đầu từ ngày 9 tháng 7, sau khi hoàn toàn hồi phục từ vụ tai nạn. Tuy nhiên, Yoko Ono vẫn xuất hiện cùng ban nhạc trong suốt quá trình thu âm. Thậm chí John còn yêu cầu dựng một chiếc giường nhỏ tại một góc của phòng thu số 2, cùng với đó là một chiếc mic để anh có thể nghe thấy tiếng Yoko ngay cả trong lúc thu âm. Điều đó là một việc "không giống như xưa", song vì quá mệt mỏi vì những xích mích từ Album trắng, các Beatle khác và George Martin đều tránh tối đa những tranh cãi có thể[7].

Có vài khoảnh khắc vô cùng đáng nhớ, mà theo Geoff Emerick là "giống ngày xưa"[7]: đó là khi tất cả chung sức cho "Come Together" của John Lennon, thu âm và đặt tên cho đoạn medley, chơi solo trong "The End" và cùng phối khí cho "Because".

Jeff Jarrat, một kỹ thuật viên của EMI nói: "Khi George Martin nói với tôi rằng ông ấy bận, ông ấy dặn tôi: "Có một Beatle là tốt. Hai Beatle, tuyệt. Ba Beatle, ảo diệu. Khi mà cả bốn người họ cùng có mặt, đó là những khoảnh khắc vô cùng cuốn hút và không thể giải thích được, một thứ phép màu mà chỉ có bốn người họ mới có thể diễn giải. Cậu có thể có được tình bạn với họ, và rồi cậu cũng sẽ hiểu được cái sự góp mặt không-thể-giải-thích-được đó." Và đúng là mọi chuyện diễn ra như vậy. Tôi không thể cảm nhận được điều đó trong bất kể hoàn cảnh nào khác. Một cảm giác tuyệt vời khi cả bốn cùng ở đó."[6] Theo Ringo Starr: "Tôi nghĩ là mọi người sẽ cảm nhận được điều đó khi nghe album một cách chăm chú. Các ca khúc rất tốt, và nó được thực hiện thật cẩn thận. Có nhiều câu hỏi thường trực, nhưng khi chúng tôi thực hiện chúng, nếu chúng tôi thấy âm nhạc đã thực sự tốt, mọi thứ sẽ đều bỏ qua."[4]

Năm ca khúc trong album có sự góp mặt của dàn nhạc ("Something" và "Here Comes the Sun" của George Harrison, "Golden Slumbers", "Carry That Weight" và "The End" của Paul McCartney) đều được thu trong một ngày duy nhất, ngày 15 tháng 8, tại phòng thu số 1 của Abbey Road[6]. Hai tác giả điều khiển dàn nhạc cùng Martin[8]. John Lennon không tham gia vào buổi thu âm này, với lý do là không có tác phẩm nào của anh trong album sử dụng nhạc cụ cổ điển.

Thử nghiệm

Máy chỉnh âm Moog

Các Beatle yêu cầu với nhân viên của phòng thu Abbey Road những cải tiến kỹ thuật thu âm, điều vẫn xảy ra kể từ khi họ thực hiện Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band. Abbey Road, một phần của Album trắng và Let It Be là những album mà The Beatles sử dụng công nghệ ghi âm 8 băng, thay cho kỹ thuật ghi âm 4 bằng mà họ áp dụng từ "I Want to Hold Your Hand" (1963) và sau đó là A Hard Day's Night (1964). Ban đầu, các kỹ thuật viên của phòng thu EMI khá nghi ngờ về tính thực tiễn của chiếc máy 8 băng, cho tới khi "Hey Jude" đem lại những thành công rõ rệt trong việc thu âm.

George Harrison sử dụng trong quá trình thu âm một chiếc máy hoàn toàn mới, máy chỉnh âm Moog, thứ mà anh được nhận trực tiếp từ tác giả Robert Moog. Đây là một loại máy khá cổ điển, sử dụng đơn kênh và vào thời đó, nó cồng kềnh như một chiếc tủ[9]. Vừa chơi vừa tìm tòi sử dụng, Harrison đã sử dụng chiếc máy trong khá nhiều ca khúc của Abbey Road (như "Because", "Maxwell's Silver Hammer" và "Here Comes the Sun"). Chiếc máy này sau này vẫn được Harrison sử dụng nhiều trong album Electronic Sound. Harrison cũng sử dụng những đạo cụ mới, như chiếc ống tuýp kim loại, lấy từ bộ chuyển âm Leslie, để chơi guitar[7].

Một trong những kỹ thuật viên nổi tiếng nhất thực hiện album là Alan Parsons. Sau Abbey Road, ông tiếp tục thành công với The Dark Side of the Moon – album huyền thoại của Pink Floyd – trước khi thực hiện một loạt album nổi tiếng khác trong dự án The Alan Parsons Project. Một nhân vật khác là John Kurlander, một kỹ thuật viên tham gia vào rất nhiều buổi thu, sau này trở thành nhà sản xuất và thu âm, được biết đến nhiều nhất khi tham gia sau này vào bộ 3 phim The Lord of the Rings (2001-2003).

Tan rã

Abbey Road thựcc tế là album cuối cùng của The Beatles, cho dù nó được phát hành trước Let It Be (1970). Ngày 20 tháng 8 năm 1969, "I Want You (She's So Heavy)" là ca khúc cuối cùng mà cả bốn thành viên cùng nhau thu âm tại phòng thu Abbey Road[1].

Sau khi cùng nhau làm việc, tất cả đều thống nhất, rằng họ không thể tiếp tục chơi nhạc cùng nhau nữa. George Martin nói: "Vì tất cả đều đã làm việc hết sức bên nhau, vậy nên tôi đặc biệt thích album này"[4].

Tháng 9 năm 1969, John Lennon tuyên bố anh sẽ bắt đầu sự nghiệp solo cùng với người vợ Yoko Ono. Tháng 10, họ thành lập Plastic Ono Band. Tháng 4 năm 1970, The Beatles chính thức tuyên bố tan rã[1].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Abbey_Road http://beatles.ncf.ca/abbeyrd_album_cover.html http://www.allmusic.com/album/abbey-road-r1700348 http://www.billboard.com/bbcom/charts/yearend_char... http://www.billboard.com/bbcom/discography/more.js... http://www.blender.com/2010/11/21-awesome-lego-alb... http://2.bp.blogspot.com/_asZ1ez5lMZ8/RfcRC0ZxPUI/... http://www.chartstats.com/release.php?release=3680... http://www.everyhit.com/recordalb.html http://books.google.com/books?id=lRgtYCC6OUwC&prin... http://livedesignonline.com/news/show_business_onl...